Brand, Branding và Brand Marketing: Phân biệt thế nào?

 

Bạn có bao giờ nghe qua các thuật ngữ “brand,” “branding,” và “brand marketing”, nhưng lại không rõ ba thuật ngữ này có gì khác biệt nhau?

Trinh từng thường xuyên bắt gặp các từ này trong môi trường làm việc nhưng lại không hiểu rõ thật sự chúng có những khác biệt gì và có thể hoán đổi cho nhau được không. Khi dành thời gian tìm hiểu sâu hơn, Trinh nhận ra đằng sau sự “na ná” trong tên gọi, ba thuật ngữ này có những điểm khác biệt nhất định.

Bài viết này Trinh sẽ chia sẻ góc nhìn của bản thân về cách phân biệt brand, branding và brand marketing. Mời các bạn cùng tìm hiểu nhé!

I. Khái niệm cơ bản: Brand và Branding

  • Brand: Brand, hay thương hiệu, không chỉ là một biểu tượng hoặc tên gọi. Nó là tập hợp của nhiều yếu tố gồm tên thương hiệu, logo, thông điệp, giá trị cốt lõi và trải nghiệm người dùng. Thương hiệu không chỉ đơn thuần là sản phẩm hay dịch vụ cụ thể, nó còn là cảm giác và ý nghĩa mà doanh nghiệp mang lại.
  • Branding: Trong khi brand là kết quả cuối cùng, branding là việc tạo ra và quản lý hình ảnh thương hiệu thông qua việc xây dựng các yếu tố nhận biết như logo, màu sắc, font chữ, và thiết kế. Nó bao gồm việc thiết kế logo, phát triển thông điệp, và xây dựng chiến lược để tạo ra một nhận thức tích cực về thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Branding không chỉ tập trung vào các yếu tố nổi bật mà còn đảm bảo tính nhất quán giữa chúng.
  • Sự liên kết giữa brand và branding: Branding giúp xây dựng và định hình brand bằng cách tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ và đặc trưng cho thương hiệu. Nhưng đồng thời, brand là kết quả của quá trình branding, thể hiện sự nhận thức và đánh giá của khách hàng về thương hiệu đó.

Dưới đây Trinh sẽ điểm qua các tiêu chí so sánh giữa brand và branding:

  • Phạm vi và nội dung:
    • Brand: Phạm vi của một thương hiệu khá rộng lớn. Như đề cập ở phần khái niệm, nó bao gồm mọi yếu tố tạo nên danh tiếng và đặc điểm của công ty hoặc sản phẩm, từ tên thương hiệu, logo, giá trị cốt lõi, đến trải nghiệm người dùng và cảm giác khi sử dụng sản phẩm hay dịch vụ.
    • Branding: Phạm vi của branding hẹp hơn so với brand, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các yếu tố cụ thể như logo, màu sắc, và thiết kế để tạo ra một hình ảnh thương hiệu đồng nhất và dễ nhận diện.
  • Tính nhất quán:
    • Brand: Tính nhất quán của brand được xây dựng thông qua mỗi tương tác và trải nghiệm của khách hàng. Do vậy, mỗi điểm chạm thương hiệu cần phản ánh giá trị cốt lõi, cùng như tạo ra một ấn tượng tích cực.
    • Branding: Branding góp phần vào việc xây dựng tính nhất quán của brand thông qua việc duy trì các yếu tố nhận biết một các nhất quán và đảm bảo chúng phản ánh hình ảnh và giá trị cốt lõi của thương hiệu một cách đồng đều.
  • Mục tiêu:
    • Brand: Đại diện cho giá trị cốt lõi và tầm nhìn dài hạn của công ty hoặc sản phẩm. Nó không chỉ là một biểu tượng, mà là một nguồn cảm hứng và niềm tin từ phía khách hàng.
    • Branding: Mục tiêu của branding là định hình cụ thể hình ảnh thương hiệu, tạo ấn tượng tích cực từ phía khách hàng và xây dựng một hình ảnh dễ nhận diện trên thị trường.
  • Thời gian tồn tại:
    • Brand: Thương hiệu, một khi đã được xây dựng và cố định trong tâm trí của khách hàng, thường có xu hướng tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, nó có thể trải qua sự biến đổi và thích ứng để đáp ứng các thách thức mới, xu hướng thị trường, và sự thay đổi trong xã hội.
    • Branding: Quá trình branding có thể liên quan đến các chiến dịch cụ thể, dự án thiết kế, và các sự kiện quảng bá cụ thể. Nó không phải là một thực thể mãi mãi như thương hiệu, mà thay vào đó, có thể bao gồm các chiến lược cụ thể và chuỗi hành động được thực hiện trong khoảng thời gian xác định. Vì vậy, trong bối cảnh của “thời gian tồn tại,” Brand (thương hiệu) thường được coi là có tính nhất quán và ổn định hơn trong thời gian dài, trong khi Branding (quá trình tạo ra và quản lý hình ảnh thương hiệu) thường liên quan đến các hoạt động cụ thể và có thể có tính tạm thời hơn. Tính nhất quán của thương hiệu thường được xây dựng và duy trì qua nhiều chiến dịch branding khác nhau.

III. Brand Marketing – Chiến lược đưa thương hiệu đến với khách hàng

Brand Marketing: Brand marketing là bước tiếp theo trong việc đưa thương hiệu đến với khách hàng. Nó tập trung vào quảng cáo và tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể của thương hiệu đó. Brand marketing là cầu nối giữa hình ảnh thương hiệu và sự tương tác trực tiếp với khách hàng. Brand marketing không chỉ là về việc đưa ra thông điệp, mà còn về cách thương hiệu tương tác với khách hàng. Từ chiến lược giá đến quảng cáo trực tuyến, brand marketing tạo ra các cơ hội để thương hiệu gặp gỡ và kết nối với đối tượng mục tiêu.

Brand marketing thường xuyên bị nhầm lẫn với branding hơn là với brand. Mặc dù đều giao nhau ở nhiệm vụ quảng bá hình ảnh cho thương hiệu, Brand marketing lại có những đặc điểm khác biệt cụ nhất định so với branding, gồm:

  • Phạm vi và nội dung: Brand marketing bao gồm chiến lược quảng cáo, quảng bá sản phẩm, và các chiến lược tiếp thị nhằm tăng cường hiệu suất thương hiệu.
  • Tính nhất quán: Brand marketing liên quan đến việc giữ cho thông điệp tiếp thị nhất quán với hình ảnh và giá trị cốt lõi của thương hiệu để tạo ấn tượng tích cực.
  • Mục tiêu: Mục tiêu của Brand marketing là tạo mối quan hệ tăng cường giữa thương hiệu và khách hàng, thông qua chiến lược tiếp thị và quảng cáo.

IV. Kết luận

Nhìn chung, việc hiểu rõ hơn về brand, branding và brand marketing giúp marketer sử dụng đúng thuật ngữ trong đúng ngữ cảnh và nắm được các khía cạnh khác nhau trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Brand là tâm hồn của thương hiệu, được hình thành qua quá trình branding chi tiết và đảm bảo được tương tác và hiện thực thông qua chiến lược (brand) marketing sáng tạo. Sự kết hợp khéo léo giữa những yếu tố này tạo ra một thương hiệu không chỉ độc đáo mà còn gắn kết mạnh mẽ với khách hàng.

Trinh Đặng
* Bài viết gốc: TrulyTrinh.com

error: Content is protected !!